Nét đặc sắc về truyền thống dòng họ Đàm Đình

Họ Đàm Viết có bề dày truyền thống về học vấn và chức sắc quan lại qua nhiều triều đại nhà nước phong kiến Việt Nam. Đó là cụ Đàm Thị Phùng, chánh phi thời vua Lê Trương Dực đã cung đức xây dựng chùa Kim Bảng (hồ sơ di tích lịch sử văn hóa). Cụ Hoài Viển tướng quân, Đô chỉ huy thiệm sự, Trung nghĩa bá, Đàm tướng công tự phúc trong phủ quân; Cụ Anh liệt tướng quân đô chỉ huy sứ, tước Mai Lĩnh bá, Đàm tướng công tự như sơn, thụy là phúc cẩm phủ quân. Cụ Đàm Viết Gián hiệu pháp hùng phủ quân, tráng tiết tướng quân… Đặc biệt và tiêu biểu là cụ Đàm Viết Kính: Tự là Như Liêu, tước tại thọ Hậu. Cụ Kính là cháu nội cụ Hoài Viễn tướng quân, là con cụ Anh liệt tướng quân. Cụ đã giữ các chức sắc: Tham đốc phủ tham đốc, Thị nội giam, Tư lễ giám, Trấn tiền đội, Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân. Cụ Kính phò tá trong Vương Triều (vua Lê – chúa Trịnh) Bồi tòng trong phủ Chúa. Khi về nghỉ hưu được khởi phục tặng: thái hiệu kiểm ty, thái hiệu điểm. Thời ấy xã Thiết Úng có việc làm trái lệnh Vua, Cụ đã có công cứu dân Thiết Úng thoát tội. Tài đức của cụ Kính được cụ tiến sỹ trạng nguyên Nguyễn Phác Phủ,hiển Cung đại phu, tham nghị tán trị thừa,Chánh sứ ty các xứ sơn nam người làng Văn Điềm ca ngợi:

“Mai Động nổi danh Hương

Kim Bảng lừng đất tốt

Người tướng tài trong nước

Vị khôi vĩ họ Đàm

Tổ tiên gây nền nhân

Ông Bà chăm nền phúc

Ân trên được thừa hưởng…”

Chính vì công đức của cụ Kính đối với đất nước, nên vào năm 1743 quan viên sắc mục hương lão đại diện cho nhân dân của hai xã Thiết Úng, Mai Động và thôn Kim Bảng đã khai vào bia đá đồng lòng tôn bầu vợ chồng cụ Kính, cha mẹ của cụ Kính làm hậu thần đề thờ phụng hàng năm, để ghi lòng tạc dạ truyền mãi về sau không bao giờ mất. Cụ Kính thọ 75 tuổi có khu lăng mộ rộng 17 xích quy đổi là 9792 m2 trên đó có nhà thờ, có vườn lăng có mộ cụ Kính táng tại lăng, giao cho các Chi họ lớn lưu giữ phụng thờ không được thay đổi (trang 11 – thế phả họ Đàm)

Biên soạn: Đàm Đình Định