Lăng tại Thọ Hầu Đàm Viết Kính
Lăng tại Thọ Hầu Đàm Viết Kính – điểm đến văn hóa tâm linh rất có giá trị.
Di tích lịch sử văn hóa “Lăng tại Thọ Hầu Đàm Viết Kính” tọa lạc trên một khu đất bằng phẳng tại thôn Kim Bảng (xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) đã được Nhà nước xếp hạng năm 2006. Đây là loại hình di tích “Lưu niệm danh nhân”. Từ nhiều đời nay, khu di tích lịch sử văn hóa này luôn được các thế hệ con cháu dòng họ Đàm Đình trong thôn quản lý và duy tu thờ phụng tổ tiên.
Họ Đàm ở Kim Bảng và danh nhân Đàm Viết Kính
Theo tài liệu lịch sử ghi lại, dòng họ Đàm ở Kim Bảng có nguồn gốc từ xã Ông Mặc (nay là Hương Mạc) đến thôn Kim Bảng cư trú từ thời Hậu Lê. Cụ khởi tổ tên hiệu là Như Quang, tên tự là Nhật Minh, đổi từ họ Đàm Thận sang Đàm Viết, từ đó thành một chi tại thôn Kim Bảng, xã Mai Động (ghi trong thế phả họ Đàm do cụ họ Đàm tên tự Phúc Thuần biên soạn vào tháng giêng năm Ất Sửu, niên hiệu Tự Đức 1865). Từ cụ khởi tổ về sau, con cháu kế thừa lấy việc học hành làm nghiệp, đời đời thi đỗ làm quan, trở thành một dòng họ có danh tiếng trong vùng. Đầu thế kỷ 19, họ Đàm Viết được phát triển thành hai nhánh Đàm Đình và Đàm Đức (theo gia phả họ Đàm Đức lập năm 1854 và cuốn Bảng đinh văn bảng ký năm 1825). Đàm Viết là dòng họ có bề dày truyền thống về học vấn, chức sắc làm quan qua nhiều triều đại nhà nước phong kiến Việt Nam. Đó là: Cụ Đàm Thị Phùng, chánh phi thời vua Lê Tương Dực, cụ là người đã cung đức xây dựng chùa Kim Bảng (hồ sơ di tích lịch sử văn hóa); Cụ Hoài Viển tướng quân, Đô chỉ huy thiêm sự, Trung nghĩa bá, Đàm tướng công tự Phúc Trung phủ quân; Cụ Anh liệt tướng quân đô chỉ huy sứ, tước Mai Lĩnh bá, Đàm tướng công tự Như Sơn, thụy là Phúc Cẩm phủ quân; Cụ Đàm Viết Tường, giữ chức Tiền nhất đội Thị nội giám, Tư Lễ giám, Tả đề điểm, tước tại Lộc hầu; Cụ Đàm Viết Gián, người có công dẹp giặc cứu nước cứu dân, đem lại bình yên cho nhân dân trong xã, được Nhà nước phong kiến biểu dương ban tặng cáo sắc phong (thiên hộ) Tráng tiết tướng quân, Tự Đạo Uy, hiệu pháp hùng… Đặc biệt, cụ Đàm Viết Kính, tự là Như Liêu, tước tại Thọ Hầu. Cụ Kính là cháu nội cụ Hoài Viễn tướng quân, là con cụ Anh Liệt tướng quân, Cụ Kính là người tham gia phò tá trong Vương Triều (vua Lê – chúa Trịnh), giữ các chức sắc: Đặc tiến Kim tử Phụ quốc Thượng tướng quân; Tổng tham đốc, phủ tham đốc… Khi về nghỉ cụ được khởi phục tặng: Thái hiệu kiểm ty, thái hiệu điểm. Thời ấy xã Thiết Úng có việc làm trái lệnh Vua, Cụ Kính là người đã có công xin, cứu dân Thiết Úng thoát tội.
Bởi công đức lớn lao của cụ Kính, nên vào năm 1743 quan viên sắc mục hương lão đại diện cho nhân dân của hai xã Thiết Úng, Mai Động và thôn Kim Bảng đã khai vào bia đá đồng lòng tôn bầu vợ chồng cụ Kính, cha mẹ của cụ Kính làm hậu thần đề thờ phụng hàng năm, ghi lòng tạc dạ truyền mãi về sau. Tài đức của cụ được tiến sĩ trạng nguyên Nguyễn Phác Phủ (tiến sĩ Nguyễn Thực), Chánh sứ ty các xứ Sơn Nam người làng Văn Điềm đã có bài “Linh Huệ từ ký” ca ngợi tài đức khắc vào bia đá. Nội dung tấm bia đá được tóm tắt như sau: Đàm Viết Kính người thôn Kim Bảng, xã Mai Động, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn (nay là xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn), tự là Như Liêu, tước tại Thọ hầu, Tham đốc phủ tham đốc; Thị nội giám tư lễ; Trấn Tiền đội, đặc tiến Kim tử phụ quốc Thượng tướng quân, làm quan dưới triều Vua Lê chúa Trịnh. Vợ là bà Quách Thị Thảo, hiệu là Từ Thuận được tấn phong Ấm chánh phu nhân. Ông bà không những là người có nhiều công lao với triều đình mà còn là người nhân hậu phúc đức, lấy nhân nghĩa để đối đãi với xóm làng; chính vì vậy đã được nhân dân hai xã (Thiết Úng và Hương Mạc) tôn bầu làm hậu thần để “Tuế thời các tiết phụng thờ”. Việc tôn thờ này đã được sự ghi nhận của triều đình bằng việc ban tặng sắc phong vào năm 1721 và 1743.
Cụ Đàm Viết Kính sinh năm Canh Dần 1590, đời vua Lê Thế Tông Quang Hưng 13 và mất năm Giáp Thìn đời vua Lê Huyền Tôn (1664), thọ 75 tuổi, khu lăng mộ nguyên gốc rộng gần 10.000m2, trên đó có nhà thờ, vườn lăng, mộ cụ Kính được táng tại lăng, giao cho các Chi họ lớn lưu giữ phụng thờ. Ngày 21/02/2006 Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định số 235/QĐ-UBND xếp hạng di tích lịch sử văn hóa “Lăng tại Thọ Hầu Đàm Viết Kính”.
Điểm đến văn hóa tâm linh rất có giá trị
Theo các chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam, Nhà thờ và khu “Lăng tại Thọ Hầu Đàm Viết Kính” thuộc dòng họ Đàm Đình ở thôn Kim Bảng là một công trình di tích lịch sử văn hóa tâm linh rất có giá trị. Toàn bộ khu di tích có mặt trước quay hướng đông nam, được xây dựng theo một trục chính và chia thành ba lớp. Trên cùng là nhà thờ, ở giữa là khu mộ, tiếp đến là khu “sinh từ” (khu vực đặt những tượng đá ở trước phần mộ). Giá trị nổi bật của nhà thờ và khu lăng chính là hệ thống cổ vật được lưu giữ tại đây. Đó là hệ thống tượng đá được đặt đăng đối tại khu sinh từ: trên cùng nằm ngay sát phần một là 2 tượng vũ sỹ cao 85cm được tạc theo lối tả thực, hai tay cầm “gậy” để trước bụng trong tư thế đứng nghiêm trang; tiếp là 2 voi đá cao 73cm, dài 87cm quỳ phủ phục; sau cùng là 4 chó đá trong tư thế ngồi, hai chân hướng phía trước, cổ đeo vòng có quả chuông nhỏ. Đây đều là tác phẩm điêu khắc nghệ thuật đặc sắc của thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 18) còn lưu giữ được đến nay.
Ngoài những di vật trên, tại nhà thờ và khu lăng còn lưu giữ được nhiều cổ vật khác có giá trị như: tấm bia đá hai mặt có tên “Linh Huệ từ ký”, niên đại Cảnh Hưng 4 (1743) do Tiến sĩ Nguyễn Thực biên soạn, bàn thờ đá, bài vị bằng đá, cây hương đá thời Lê cao 1,6m, bát hương đá thời Nguyễn, cùng một số đạo sắc, hộp đựng sắc phong sơn son thiếp vàng, đó là 2 đạo sắc năm Bảo Thái 2 (1721) và Cảnh Hưng 4 (1743), bảng gỗ có niên đại năm Thành Thái 17 (1905) ghi lại những nét chính xung quanh lịch sử ra đời cũng như những thế thứ, lớp lang của các thế hệ con người đang được tôn vinh, thờ phụng…
Theo người dân địa phương, từ khi khởi dựng đến nay khu lăng vẫn được nhân dân trong vùng đến thăm viếng, con cháu các thế hệ trong gia tộc họ Đàm Đình trông nom gìn giữ. Hàng năm, trong những ngày tiết lệ con cháu lại tề tựu đông đủ về đây để tưởng nhớ đến các bậc tiên tổ, ôn lại truyền thống tốt đẹp của cha ông, góp phần giáo dục truyền thống hiếu học, khoa bảng, truyền thống yêu nước cho các thế sau noi gương. Có thể nói, với những điều đã được ghi trong lịch sử và quy mô hiện hữu như ngày hôm nay, khu di tích lịch sử văn hóa này xứng đáng là một điểm đến văn hóa tâm linh rất có giá trị không chỉ của riêng con cháu dòng họ Đàm Đình hay của địa phương mà còn rộng hơn thế nữa./.
Vũ Tuấn Anh