Hầu tước Đàm Viết Kính
Hầu tước Đàm Viết Kính – qua hồ sơ di tích lịch sử; bia đá cổ năm 1743 và thế phả họ Đàm năm 1865 của họ Đàm Đình
Ngày 21/2/2006 Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành quyết định số 235/QĐ-UBND xếp hạng di tích lịch sử văn hóa: “Lăng tại Thọ Hầu, Đàm Viết Kính, Xã Hương Mạc, huyện Từ Sơn” (nay là thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).
Căn cứ vào hồ sơ di tích lịch sử văn hóa, tài liệu chữ Hán ở: Bia đá cổ dựng năm 1743; thế phả họ Đàm năm 1865 đã được Viện nghiên cứu Hán Nôm dịch nghĩa mà họ Đàm Đình (gốc Đàm Viết) ở thôn Kim Bảng, xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Nnh đang quản lý cho thấy: Cụ Đàm Viết Kính là một trong các vị tổ của họ Đàm Viết, Cụ là đời thứ sáu, người quê hương: Trước đây là thôn Kim Bảng, xã Mai Động, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn. Cụ Kính làm quan vào thời kỳ: Vua Lê – Chúa Trịnh (Bồi tòng trong phủ chúa) được phong tước Hầu; ban tặng là “Đặc tiến Kim tư”. Cuộc đời làm quan của Cụ đã trải qua các chức vụ: “Tham đốc phủ tham đốc; Thị nội giám; Tư lễ giám; Trấn tiền đội; Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân”. Khi về hưu lại được phong Thái Hiệu Kiểm Ty, Thái Hiệu Điểm, Khương Thọ Hầu.
Với quê hương: Cụ Kính luôn gần gũi thương yêu mọi người: “Lấy đức báo cho Người là điểm mấu chốt… làm điều thiện được hưởng phúc là lý đương nhiên tuyệt diệu, không chỉ ghi vào bia mà quả để lưu mãi sử xanh mãi mãi”; “lấy lòng nhân đối đãi xóm làng, đức huệ nhuần thiên hạ mọi người đội ơn”. Đồng thời Cụ quan tâm chăm lo đời sống cho người dân quê hương như: cho tiền, cho ruộng đất:
- “Cho xã Mai Động một hốt bạc; Sử Tiền 100 quan; 02 mẫu ruộng, bản xã tôn bầu hậu kỵ, các tuần tiết cúng lễ nghi y tiền sự;
- Cho Thôn Kim Bảng 55 quan tiền sử; 01 mẫu 8 sào ruộng, 01 cái đầm, bản thôn tôn bầu 3 vị hậu kỵ, tứ thời bát tiết cúng lễ đúng nghi thức để coi trọng ân huệ của Ông.
- Cho xã Thiết Úng 100 quan tiền sử và 01 mẫu ruộng, bản xã tôn bầu hậu kỵ cúng lễ để coi trọng Ông, Bà”, “Thời ấy thôn Thiết Úng có việc làm trái lệnh vua. Cụ có công lao cứu dân thôn Thiết Úng thoát tội”.
- Với dòng tộc Cụ cũng dăn dạy:
“ Tổ tiên gây nền nhân;
Ông, Bà chăm nền phúc
Ân trên được thừa hưởng
Tấm lòng càng tốt đẹp…”
Chính vì vậy: “trong khuôn viên lăng mộ có khu đất rộng 12 thước ta, trên đó dựng ngôi nhà thờ 3 gian giao cho các chi họ lớn lưu giữ phụng thờ không được thay đổi. Nếu như sau này có ai không tuân theo gây sự tranh đoạt sẽ mắc tội bất hiếu”.
Do tài năng, đức độ của Cụ Kính nên Cụ đã được Vua Lê – Chúa Trịnh tin cậy và giao cho nhiều trọng trách khác nhau trong triều chính, mà cao nhất là “Trấn tiền đội, Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân”; “Bồi tòng trong phủ Chúa” là một chức sắc như Tể Tướng ở các triều đại khác. Khi nghỉ hưu lại được phong tặng: “Thái Hiệu Kiểm Ty, Thái Hiệu Điểm, Tước tại Thọ Hầu”. Như vậy, khẳng định rằng: Cụ Kính là một vị đại quan trong triều đình lúc đó. Đồng thời Cụ xứng đáng là “danh gia, vọng tộc”; đúng danh là “Đặc tiến Kim tử” (Người đàn ông đặc biệt) do triều đình phong kiến vinh danh. Ngày nay khi thế hệ chúng tôi vẫn chứng kiến câu chuyện trong dân gian địa phương truyền lại, vẫn gọi khu đền thờ lăng tẩm hiện nay ở thôn Kim Bảng là “Dinh quan lớn”.
Tài năng, đức độ của Cụ Kính, thời đó được cụ Nguyễn Phác Phủ, hiển Cung đại phu, tham nghị tán trị thừa, Chánh sứ ty các xứ Sơn Nam người làng Vân Điềm soạn bài minh ca ngợi:
“Mai Động nổi danh làng
Kim Bảng lừng đất tốt
Người tướng tài trong nước
Vị khôi vĩ họ Đàm…”
Cụ Kính thọ 75 tuổi, khi mất thi hài được táng tại lăng, được ban tặng là “Đàm tướng công tự là Như Liêu, ban tên Thụy là Đoan Phác phủ quân”. Khu lăng mộ Cụ Kính đến nay cơ bản còn nguyên vẹn.
Sự nghiệp, đức độ của Cụ Kính được người dân địa phương lúc đó ngưỡng mộ đã tôn bầu “vợ chồng Cụ Kính, cha mẹ của Cụ Kính” làm hậu thần đề thờ phụng theo tập quán. Để ghi nhận và duy trì nề nếp thờ phụng với Cụ Kính được trường tồn nên từ năm 1730-1743 các vị chức sắc của địa phương “nhất thôn, nhị xã” của huyện Đông Ngàn lúc đó thay mặt nhân dân thống nhất dựng bia đá: ghi chép lại công trạng, khẳng định về tình cảm, công ơn trách nhiệm của họ với Cụ Kính:
“Thường nghe: Lấy đức báo cho người là điều mấu chốt hằng thừng thần ký làm điều thiện được hưởng phúc là lý đương nhiên tuyệt diệu, không chỉ ghi vào bia đá mà quả để lưu mãi sử xanh mãi mãi. (thể trời theo đất). Âm đức nhờ tổ tiên phúc khánh rõ ràng, tích thiện bởi cha mẹ cả nhà đầm ấm, hiền tài muôn thuở (gặp hội rồng mây), phò tá vương triều (triều Trịnh) Bồi tòng trong phủ chúa, tiết tháo giữ gìn, ân trên được hưởng, lòng người mếm mộ, lấy lòng nhân đối đãi xóm làng, đức huệ nhuần thiên hạ mọi người đội ơn. (Ông Bà) đã cho tiền của lại cho ruộng tốt. Được ban như thế, được đội ơn là thế tất phải ghi lòng tạc dạ, phải báo đền ân đức. Vậy nên dân hai xã và bản thôn đồng lòng nhất trí tôn bầu các vị là hậu kỵ nghi lễ rõ ràng để tỏ rõ công đức của Ông Bà. Người này, đức này, nghi thức này, tâm thức này truyền mãi về sau không bao giờ mất. Con cháu sau này nhìn ruộng đồng ao vườn thì nhớ công đức, nhớ công đức thì tu chỉnh lễ nghi, như vậy thần lại nhờ vào đức của con người mà sáng ngời mãi mãi. Hương thơm cỗ bàn được hưởng, phụng thờ hương hỏa càng bền. Gia thanh đã lớn, mãi phò giúp nước, Nghi thức hậu kỵ này cao như núi Tiên, sâu như sông Nguyệt trường cửu mãi. Tục lệ nhân hậu của một thôn và hai xã ta, sáng ngời mãi về sau. Vậy làm bài văn tả ghi lại sự thực khắc vào đá, truyền mãi lâu dài vậy. Nhân có bài minh:
Mai Động nổi danh làng
Kim Bảng lừng đất tốt
Người tướng tài trong nước
Vị khôi vĩ họ Đàm
Tổ tiên gây nền nhân
Ông bà chăm nền phúc
Ân trên được thừa hưởng
Tấm lòng càng tốt đẹp
Đã cho của cho tiền
Lại cho ao cho ruộng.
Muôn người đều như một
Tất thảy đều đồng lòng
Đặt nghi lễ hương hỏa
Hàng năm làm cúng giỗ
Thần người đều hài hòa
Phúc lộc càng dồi dào
Dựng tấm bia đá này
Xứng với bầu hậu kỵ
Tạo lập đã hoàn thành
Kê khai phải cho rõ.
Nguyễn Phác Phủ, Hiển cung đại phu, Tham nghị Tán trị thừa, Chánh sứ ty các xứ Sơn Nam… người Vân Điềm soạn.”
Ngày nay: Những tài liệu; hiện vật; khu lăng mộ lưu niệm về Cụ Kính đã và đang tồn tại mà dòng họ Đàm Đình, thôn Kim Bảng đang quản lý đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định, xem xét và khẳng định có giá trị về mặt truyền thống lịch sử văn hóa nên đã quyết định công nhận xếp hạng di tích lịch sử văn hóa: “Lăng tại Thọ Hầu, Đàm Viết Kính” loại hình di tích “Lưu niệm danh nhân”.
Việc nhà nước thời nay công nhận di tích lịch sử văn hóa với Cụ Kính chứng tỏ rằng: thân thế, sự nghiệp và những gì mà Cụ Kính để lại cho hậu duệ vẫn được trường tồn và sống mãi trong ký ức cháu con dòng họ Đàm Đình (gốc Đàm Viết) và nhân dân địa phương quê ta. Rất mong hậu duệ Cụ Kính giữ gìn và phát huy truyền thống Ông Cha đã để lại./.
Đàm Đình Định