Đền thờ, lăng mộ danh nhân Đàm Viết Kính: ‘Cao như núi Tiêu, sâu như sông Nguyệt’

Đó là lời ca ngợi danh nhân Đàm Viết Kính (1662 – 1737) được soạn, khắc vào bia đá năm 1743 của quan đại thần Nguyễn Thực. Năm 65 tuổi, Đàm Viết Kính về trí sĩ nhưng là người có danh vọng và uy tín trong triều nên ông lại được khởi phục ra làm quan, đây là trường hợp hi hữu chỉ dành cho những người thực sự tài năng, được vua Lê – chúa Trịnh trọng vọng.

1. Cách đây gần 30 năm, trong bối cảnh khu đền thờ lăng mộ của cụ Đàm Viết Kính (khu phố Kim Bảng, phường Hương Mạc, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) đang hết sức hoang tàn, xơ xác, các thế hệ con cháu dòng họ Đàm Đình đã bước đầu nhận ra những giá trị lịch sử và văn hóa được lưu giữ trong hệ thống cổ vật từ bia đá, bài vị, sắc phong… đến những lời di huấn, truyền tụng đầy đạo lý và ý thức trách nhiệm mà người xưa để lại.
Không khỏi đau lòng trước sự tàn phá của chiến tranh, của thiên nhiên và của chính con người từng đã diễn ra trong thời gian dài hàng trăm năm trước, con cháu dòng họ Đàm Đình nêu một quyết tâm phải có tấm lòng tâm huyết, phải làm mọi việc để bảo tồn, gìn giữ, phát huy truyền thống cha ông, làm cho tư tưởng và nhân cách, vị trí và tầm vóc của danh nhân cũng như những giá trị vật chất và tinh thần quí giá… được trở về như nó từng vốn có trong lịch sử của quê hương, đất nước.
Chú thích ảnh
Tượng danh nhân Đàm Viết Kính
Nhiều người đã nỗ lực xúc tiến làm nhiều phần việc khó khăn và hệ trọng như hoạt động pháp lí để giữ lại chủ quyền lăng mộ, tìm tòi cổ vật bị mất mát, sưu tầm, tập hợp nguồn tư liệu, liên hệ với các nhà chuyên môn, các cơ quan văn hóa, các cấp trong hệ thống chính quyền… để nghiên cứu, thẩm định, phân tích và đánh giá, từng bước đi tới xác định tính chất văn hóa và lịch sử, giá trị vật chất và tinh thần mà khu đền thờ, lăng mộ này chứa đựng, vốn có từ xưa cho tới hôm nay.
Với nỗ lực chủ quan của dòng họ Đàm Đình, nhiều việc làm khách quan, trung thực của cá nhân, tổ chức thuộc các lĩnh vực chuyên môn và hệ thống chính quyền nhà nước trong suốt thời gian dài đã đem lại những thành quả hết sức trân trọng. Năm 2006, khu đền thờ, lăng mộ được UBND tỉnh Bắc Ninh xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và thành phố; tháng 6 năm 2021, được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Khu đền thờ, lăng mộ quý giá này đã chính thức được trở về với vị trí và tầm vóc của nó sau hơn 3 thế kỷ.
2. Khu đền thờ, lăng mộ danh nhân Đàm Viết Kính được tạo dựng vào năm niên hiệu Cảnh Hưng (1743), để thờ phụng ông bà Đàm Viết Kính – Quách Thị Thảo và các bậc tiền nhân đã từng sống và hành động thật có ý nghĩa trong khoảng thời gian dài thuộc thời kỳ phong kiến giai đoạn Lê Trung Hưng đến đầu thế kỷ 18. Khu lăng mộ được tạo tác bằng các chất liệu gỗ, đá hình thành một hệ thống hàng trăm di vật như voi đá, chó đá… với kết cấu tinh xảo, cân đối, hài hòa tạo ra một sắc thái tâm linh phù hợp trong cảnh trí một nơi thờ phụng.
Chú thích ảnh
Nơi thờ phụng danh nhân Đàm Viết Kính
Cuộc đời và sự nghiệp của cụ Đàm Viết Kính và các bậc tiền nhân tiêu biểu được tóm tắt và ghi lại ở các sắc phong, bia đá, bài vị, mộc bản bằng chữ Hán xưa ngắn gọn, súc tích những cũng bao quát được gần như đầy đủ những gì lớn lao, cao đẹp, hữu ích mà các vị làm nên truyền lại cho hậu thế.
Sự nghiệp của cụ Đàm Viết Kính là sự nghiệp của một con người hết lòng trung quân ái quốc, nhân đạo, nhân văn, hết lòng vì dân, vì nước. Cụ để lại cho con cháu và người đời sau những di sản vật chất và tình thần vô giá mà mỗi khi nghĩ tới các thế hệ hôm nay đều vô cùng trân trọng, biết ơn và kính phục.
Cụ Kính từng nhiều năm theo con đường học hành khoa cử, nhưng sự nghiệp của cụ hầu như hoàn toàn là sự nghiệp của một võ quan cao cấp phục vụ vương triều. Do có công lao và tài năng đức độ, cụ được triều chính tin dùng, cất nhắc lên tới chức vị Đặc tiến Kim tử, phụ quốc thượng tướng quân. Nhà vua cũng vinh phong Đô đốc đại học sĩ, phụ quốc thượng tướng quân.
Với vị thế và uy tín như vậy, cụ Kính có nhiều điều kiện hoạt động cho mục đích lớn lao của quốc gia dân tộc. Về nhân vật lịch sử này, xin dẫn ra đây lời đánh giá, thẩm định của Viện Sử học thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tại công văn số 161/VSH ngày 18/8/2020 như sau: “Vào những năm 1672 đến năm 1677, nội chiến Đàng Trong – Đàng Ngoài chấm dứt… Cục diện, thiết chế Đàng Ngoài phát triển, thời kỳ “vua tuân giữ cơ nghiệp sẵn có của tiên vương, rủ áo khoanh tay mà nước được trị, kỷ cương được chấn hưng, thưởng phạt nghiêm minh, các công khanh phần nhiều xứng chức, quan lại vâng theo pháp luật, dân chúng yên ổn làm ăn”.
Hoạt động trong môi trường thuận lợi như vậy, Đàm Viết Kính đã đem hết tâm sức, trí tuệ phụng sự vương triều và có nhiều công đức với quê hương. Hơn 50 năm làm quan, với tài năng phẩm cách của mình, Đàm Viết Kính được triều thần nể trọng, là chỗ dựa tin cậy của các bậc quân vương.
Về quan chức, Đàm Viết Kính đã đạt đến đỉnh cao của tước vị, từng giữ chức Bồi trụng là chức văn quan sau Tể tướng, sau được Vinh phong đặc tiến Phụ quốc thượng tướng quân, hàm chánh nhất phẩm, tước tại Thọ Hầu. Theo thể lệ tập ấm thời Lê Trung Hưng (1677), vì Đàm Viết Kính là võ quan cao cấp nên ông bà cha mẹ vợ, con cháu chắt đều được ấm phong. Ông nội đời thứ tư được phong Hoài viễn tướng quân, đô chỉ huy kiêm sự, tước Trung nghĩa Bá; thân phụ đời thứ năm được tặng phong Anh liệt Tướng quân đô chỉ huy sứ, tước Mai Lĩnh Bá; thân mẫu phu nhân; vợ là bà Quách Thị Thảo được ấm phong chánh phu nhân. Cháu đích tôn là Đàm Viết Đình được phong Mậu Lâm Lang cảnh tiền điện thiếu khanh.
Chú thích ảnh
Lăng mộ danh nhân Đàm Viết Kính (khu phố Kim Bảng, phường Hương Mạc, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh)
Cũng theo Viện Sử học, năm 65 tuổi Đàm Viết Kính về trí sĩ nhưng là người có danh vọng và uy tín trong triều nên ông lại được khởi phục ra làm quan, đây là trường hợp hi hữu chỉ dành cho những người thực sự tài năng, được vua Lê – Chúa Trịnh trọng vọng.
Trong thời gian làm quan cũng như sau này khi về an trí, cụ Kính đã làm rất nhiều việc nghĩa. Đó là can gián, cứu vớt hàng ngàn dân chúng mắc tội “bất tuân thượng lệnh” ở Tổng Thiết Úng khỏi bị tai họa thảm khốc. Đó là cấp ruộng, cấp vườn ao hồ cho dân bản xã bản thôn có thêm điều kiện làm ăn sinh sống. Chính vì những điều này, tại Lễ dựng thạch bi các quan viên, sắc mục lớn tổng Thiết Úng, Mai Động, bản thôn đã đồng lòng, suy tôn ông bà Kính là hậu thần, duy trì cúng lễ nghiêm minh là khắc vào bia truyền lại cho hậu thế.
Đàm Viết Kính là một nhân vật lịch sử tiêu biểu của thế kỷ 17 và 18, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của lịch sử dân tộc cũng như đối với quê hương, được người đời ngưỡng mộ và thờ phụng suốt hơn 3 thế kỷ đầy biến động. Trong lời ca ngợi được soạn, khắc vào bia đá (năm 1743) ở bài Linh Huệ từ ký của quan đại thần Nguyễn Thực (hiển Cung đại phu, tham nghị tán trị thừa, chánh sứ ty các xứ Sơn Nam người làng Văn Điềm, Đông Anh- Hà Nội) đã coi cụ Kính là bậc kỳ tài, sinh ra trên vùng đất quý đã có công đức “Cao như núi Tiêu, sâu như sông Nguyệt”.
3. Sau mấy trăm năm lịch sử, đền thờ, lăng mộ, cuộc đời và sự nghiệp của vị danh nhân Đàm Viết Kính đã được tìm hiểu, nghiên cứu và đánh giá một cách khách quan, khoa học và có thể khẳng định những giá trị nhiều mặt về lịch sử, văn hóa cũng như những ý nghĩa sâu sắc về tâm linh của di tích này trong hiện tại, đó là một thành quả lớn lao, đem lại nhiều hữu ích cho sự nghiệp chung, về chấn hưng đất nước, cho phát huy truyền thống nhân văn, đạo lý uống nước nhớ nguồn.
Xin được kết thúc bài viết này bằng mấy câu thơ Tụng tiền nhân:
Bia đá ngàn đời ghi dấu tích
Thế gian truyền tụng mãi lời hay
Danh nhân cốt cách tầm cao thượng
Trí tuệ thâm sâu biển nước đầy
Trung quân ái quốc ngời gương sáng
Nhân nghĩa xa gần thấm cỏ cây
Tử sinh sống thác như người vậy
Danh thơm còn mãi nước non này.
Đàm Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *