Cô Ba họ Đàm

Họ Đàm ở Hương Mạc (Từ Sơn – Bắc Ninh) vốn vẫn được nhiều người gọi là dòng họ “Thi, thư, lễ nghĩa”. Từ thời Lê Thánh Tông (1442-1497) thì dòng họ đã có hai anh em ruột Đàm Thận Huy, Đàm Thận Giản đỗ đại khoa. Cụ Đàm Thận Huy đỗ tiến sĩ năm 1490, làm quan Lễ Bộ Thượng thư, Chưởng Hàn lâm Viện sự. Ông phò vua Lê Chiêu Tông cử binh chống lại nhà Mạc, được vua Mạc truy phong Tước hầu, vua Lê cho lập đền thờ “Tiết nghĩa từ” ở quê. Cụ Đàm Thận Giản đỗ Hoàng giáp năm 1499, làm quan chức Hộ bộ Tả thị lang, lúc mất được phong Công bộ Thượng thư.

 

Về đời sau có cụ Đàm Cư (Đàm Đình Cư) sinh năm 1509, thi đỗ hoàng giáp năm 1538, cùng khoa với trạng nguyên Giáp Hải (trạng Kế). Cụ là trụ cột nhà Mạc trải hầu hết các đời vua, làm quan đến chức Lại Bộ Thượng thư kiêm nắm lục bộ, chưởng Hàn lâm viện sự, Đông các Đại học sĩ, tước Thế quận công. Khi nghỉ trí sĩ ở quê cụ tự trông nom xây dựng phủ đệ. Các làng trong tổng đều cử cắt lượt trai đinh đến góp công xây dựng. Cụ ghi chép chấm công chu đáo. Một hôm có chàng thanh niên chừng mười bảy tuổi đến muộn, cụ thấy có quý tướng mới hỏi họ tên và lí do đến muộn. Chàng trai trả lời tên Nguyễn Thực, người Vân Điềm, phải đến trường học nên đến muộn. Hỏi học đến sách nào thì chàng trai đáp nhà nghèo nên học không đến đầu đến đũa, chưa được mấy chữ. Vốn có cảm tình nên cụ Đàm cho chàng trai ngồi bóng mát làm thơ. Cụ ra đề và kiểm tra thấy thơ kém thì tin lời chàng nói. Nhưng khi cụ ra vế đối “Thập bát hùng năng đảm thổ” (nghĩa: Mười tám gấu biết gánh đất) thì chàng trai đã đối lại tỏ rõ khẩu khí có chí lớn “Cửu ngũ long phi tại thiên” (nghĩa: Chín nhăm rồng bay trên trời). Cụ Đàm mừng lắm có ý kén làm rể.

Bấy giờ cụ Đàm có ba cô gái chưa lấy chồng. Cụ bảo con nào chịu được cảnh nghèo hèn cùng chàng trai thì sau này được nhờ cậy không ai bằng. Hai cô chị nhìn xem tướng mạo chê chàng trai chỉ đáng làm lính thôi. Riêng cô ba không nhìn ngắm mà bảo con gái không tự ý kén chồng, việc gây dựng là do cha mẹ quyết định. Cụ Đàm mừng lắm tác thành cho hai người. Trước khi con gái về nhà chồng cụ Đàm dặn phải tự lao động nuôi thân và nuôi chồng ăn học thì khi chồng thành đạt mới nhớ công vợ chứ đừng trông chờ ỷ lại vào sự chu cấp của cha.

Cô ba nghe lời, về nhà chồng không hề chê bai nghèo hèn, tự cởi bỏ trang sức xiêm y, mặc áo vải gai lao động cấy trồng. Đêm đêm còn dệt vải chờ chồng đọc sách xong mới cùng đi nghỉ.

Ít lâu sau Nguyễn Thực đỗ Hương cống nhưng thi Hội mãi vẫn trượt. Vừa nuôi con vừa nuôi chồng ăn học chờ ngày đứng tên bảng vàng nên gia cảnh càng bần bách hơn. Mỗi khi về bên ngoại đều phải đi bộ, quần áo vải gai thật thảm hại so với cảnh hai chị gái lấy chồng phú quý ngựa xe đầy đường, xiêm áo sang trọng. Hai chị đã không thông cảm lại còn giễu cợt vợ chồng em. Cụ Đàm chỉ cười bảo phú quý trước mắt có đáng kể gì, sau này nó là người cứu mạng các con đấy.

Đến khi cụ Đàm qua đời (1581) mà Nguyễn Thực vẫn chưa đỗ đạt gì. Cảnh nhà vẫn bần bách cùng khốn.

Hơn mười năm sau nhà Lê Trung Hưng mở khoa thi Hội vào năm Ất Mùi (1595), Nguyễn Thực ứng thí đỗ Đình Nguyên Hoàng giáp. Nhờ làm quan trong triều mà Nguyễn Thực cứu giúp được cho người anh đồng hao làm quan nhà Mạc đang bị bắt giam, đúng như lời nói trước của cụ Đàm.

Nguyễn Thực làm quan đến chức Thượng thư, hàm thiếu phó, Tước Lan Quận công, lúc mất được phong tặng Thái tể. Con trai Nguyễn Nghi đỗ tiến sĩ năm 1619, làm quan đến chức Thượng thư, hàm thái phó, Tước Dương Quận công. Các cháu nội Nguyễn Khuê, Nguyễn Sĩ, Nguyễn Thẩm đều đỗ đạt cao.

Gia tộc Nguyễn gốc Lý ở Vân Điềm thành danh như vậy không thể không nhớ đến công lao của cô ba họ Đàm dám từ bỏ danh vọng ban đầu để chịu gian khó hàn vi nhiều năm nuôi chồng nuôi con ăn học. Đó thật là tấm gương “Ba đảm đang” đáng để đời sau ngưỡng mộ.

(Theo các sách “Bắc Ninh địa dư chí”, “Lan Trì kiến văn lục”, “Các di tích lịch sử văn hóa Bắc Ninh”, “Các vị đại khoa tỉnh Bắc Ninh”)

Phạm Thuận Thành

(Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *